Học sinh Việt Nam 'lười hỏi, ngại tranh luận'
(Vnexpress.vn) - Niềm hứng thú trong học tập cho người học đến từ việc đặt câu hỏi trước mọi vấn đề, thay vì cách dung nạp kiến thức một chiều.
Tại tọa đàm Câu chuyện giáo dục tối 14/6 do trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP HCM tổ chức, nhiều giảng viên cho rằng điểm yếu nhất của người học Việt Nam là ngại trao đổi, tranh luận.
Bằng kinh nghiệm giảng dạy từ bậc THPT đến cao học, TS Trần Nam Dũng (Phó hiệu trưởng trường Phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia TP HCM) nói, điều học sinh cần thay đổi nhất ở bậc phổ thông là cách học. Bởi kiến thức ở bậc học này mang tính nền tảng, điều người học cần lĩnh hội là kỹ năng tư duy.
"Khi tôi gọi các em lên giải bài rồi xin ý kiến của lớp thì chỉ nhận được đánh giá bài giải đúng hay sai, chứ ít ai đánh giá, bày tỏ quan điểm. Đặt câu hỏi ngược lại với thầy thì gần như không có", ông Dũng nói và cho đây là cách học thụ động.
Điều này được tạo ra bởi khoảng cách thầy - trò quá lớn khiến người học e dè tranh luận. Người học cũng ít đầu tư chuẩn bị bài trước khi lên lớp, không biết mình cần gì để hỏi.
TS Trần Nam Dũng chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh:Mạnh Tùng
Từng nhiều năm theo các chương trình sau đại học tại Mỹ, TS Dương Ngọc Dũng (Khoa Triết học, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP HCM) cho biết, trẻ em tại đây được trang bị phương pháp phản biện và khả năng tư duy độc lập từ rất sớm.
Nói rõ hơn, ông kể chuyện một học trò xin ý kiến ông trong quá trình chuẩn bị du học. Phía nhận hồ sơ phỏng vấn khi thấy một môn học ở mức trung bình thì áp đặt nguyên nhân là "bị ép học", mặc dù anh này đã tìm cách trả lời khéo léo. "Tại sao các bạn cứ mang tư duy rằng, người ta hỏi bắt buộc mình phải trả lời? Tại sao không hỏi ngược lại 'sao hỏi tôi câu đó'? Chúng ta không có tư duy phản biện, nó ảnh hưởng từ nhỏ khi thầy hỏi là trò phải trả lời", ông nói.
TS Dũng khuyên phụ huynh nên khuyến khích trẻ đặt câu hỏi càng nhiều càng tốt. Cha mẹ cũng không nên tạo nên ấn tượng cái gì mình cũng biết, bởi như vậy trẻ sẽ không còn động lực để hỏi.
"Những câu hỏi của trẻ con là những câu hỏi thiên tài. Bạn có bao giờ nghĩ như chúng rằng tại sao Mặt trăng không rớt vào Trái đất hay không? Đó chẳng phải là câu hỏi mà biết bao nhà bác học mới tìm ra câu trả lời?", ông nói và cho rằng, niềm vui trong học tập chính là liên tục đặt câu hỏi.
Mục đích của sự học thời nay, theo ông Dũng, không phải nạp kiến thức, bởi chúng rất mau lạc hậu và người máy, công nghệ có thể làm thay con người. Việc học phải hướng tới mục tiêu xây dựng nhân cách và tìm được niềm vui trong cuộc sống.
TS Dương Ngọc Dũng. Ảnh: Mạnh Tùng.
Tọa đàm cũng có nhiều trao đổi về phương pháp học, trong đó bàn nhiều về cách học Toán và Văn. Môn Toán ở phổ thông được đánh giá là dạy và học khô khan, thiên về kỹ thuật, cách giải bài tập hơn là việc hiểu bản chất, ứng dụng.
Với môn Văn, PGS Trần Lê Hoa Tranh (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP HCM) cho biết 80% học sinh trả lời không thích môn học này. Bởi cách người thầy giảng văn, trò chép, học rồi sau đó làm kiểm tra không còn phù hợp.
Môn Văn sẽ có đột phá mạnh mẽ, nếu cả người dạy và học phải hợp tác, tiết học sẽ thêm sinh động. Đi thực tế, sân khấu hóa các tác phẩm và tác giả văn học cũng khiến môn học hấp dẫn.
Cũng theo PGS Tranh, giáo viên hiện đóng vai trò quyết định đến hiệu quả giáo dục ở Việt Nam chứ không phải là chương trình học hay sách giáo khoa. Mặt bằng chất lượng giáo viên hiện chưa đồng đều và đây chính là điều ngành giáo dục cần tập trung cải thiện.