CLB Chủ tịch HĐT bàn thảo những vấn đề nóng của Tự chủ đại học
Toạ đàm họp trực tuyến về quá trình triển khai Tự chủ Đại học
Đây là CLB có số thành viên đông nhất, khi thành lập có 50 thành viên, đến nay có 123 thành viên. Và trong phiên họp đầu tiên này có gần 150 đầu cầu kết nối tham gia họp, với sự hỗ trợ phần mềm họp trực tuyến của Trường ĐH Mở Hà Nội. Điều đó chúng tỏ những vấn đề bàn thảo của CLB Chủ tịch HĐT có nhiều vấn đề “nóng” trong quá trình triển khai tự chủ đại học.
Một đầu cầu trực tuyến trong buổi Toạ đàm đại biểu phát biểu khai mạc
Sau tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu dự họp của Trưởng Ban Hỗ trợ CLB - Phạm Ngọc Lan và phát biểu khai mạc của GS.TS Trần Diệp Tuấn - CT HĐT Đại học Y Dược TP.HCM, Chủ nhiệm CLB CT HĐT là 2 báo cáo tham luận của PGS.TS. Nguyễn Mai Hương - CT HĐT ĐH Mở Hà Nội về “Tăng cường hiệu quả hoạt động của Hội đồng trường trong thực hiện tự chủ đại học” và của PGS.TS. Nguyễn Văn Hiệp - CTHĐT, Trường ĐH Thủ Dầu Một về “Vai trò của Hội đồng trường trong quản trị đại học - thực tiễn từ Trường ĐH Thủ Dầu Một”.
Đây là 2 trong số 23 trường ĐH được Chính phủ đồng ý cho triển khai thí điểm Tự chủ đại học và đã có nhiều bài học kinh nghiệm thành công, nay chia sẻ kinh nghiệm với các trường đang hoặc sẽ triển khai tự chủ đại học. Tuy là những trường có nhiều thành công trong triển khai tự chủ đại học nhưng 2 trường này cũng nêu ra một số vướng mắc từ cơ chế chính sách cần tháo gỡ, nếu không tháo gỡ về cơ chế thì tự chủ đại học sẽ dừng chân giữa đường, khó mà tiến lên hơn nữa.
GS.TS. Trần Diệp Tuấn - CT HĐT ĐHYD TPHCM, Chủ nhiệm CLB trình bày tóm tắt các ý kiến của các thành viên CLB gửi Ban Tổ chức hội thảo, và được tổng hợp thành “Những ý kiến đề xuất từ Câu Lạc bộ kiến nghị với Hiệp hội, các cơ quan Đảng, Nhà nước”.
Tiếp theo, TS. Lê Viết Khuyến - Phó CT Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ VN cũng có báo cáo tham luận với chủ đề “Kiên quyết xóa bỏ cơ quan chủ quản thì mới có tự chủ đại học đích thực”. Báo cáo của TS Lê Viết Khuyến làm nóng lên không khí trao đổi, tọa đàm tại cuộc họp. Tới phần thảo luận, do có nhiều đại biểu đăng ký trao đổi nên Chủ nhiệm CLB Trần Diệp Tuấn phải quán triệt mỗi ý kiến không quá 5 phút. Nhờ đó mà có nhiều ý kiến (15 ý kiến) được phát biểu tại diễn đàn.
Phát biểu tại cuộc Hội thảo, TS Vũ Ngọc Hoàng - Chủ tịch Hiệp hội hài lòng khẳng định: Các cuộc sinh hoạt của CLB như thế này rất bổ ích, thiết thực và rất hiệu quả! Làm như vậy mới chuyển biến từ thay đổi nhận thức, đổi mới tư duy, dẫn tới hành động đúng trong thực tiễn.
CLB nêu vấn đề và khơi dậy những ý kiến từ thực tiễn đang vướng mắc. Hiệp hội tổng hợp các kiến nghị của các CLB để có kiến nghị lên các cấp nhằm thay đổi thể chế, sửa đổi hành lang pháp lý cho phù hợp. Các CLB nên đề xuất nội dung cụ thể hơn, như sửa luật nào, nghị định thông tư nào? Sửa điều gì? Hiệp hội thì bao quát cái chung, nêu thành vấn đề chung. Chẳng hạn, muốn xóa cơ chế cơ quan chủ quản thì phải làm gì? Kiến nghị cấp nào? Xóa ngay hay xóa từng bước?
Tinh thần chung là chúng ta phải làm cho các cấp lãnh đạo, các cơ quan quản lý nhà nước thấu hiểu từ chủ trương nghị quyết đúng nhưng đi vào thực tiến có bao nhiêu khó khăn? Phải tháo gỡ ở đâu và thay đổi thể chếnào, phải ban hành hành lang pháp lý thông thoáng để các trường đại học cao đẳng tiến vào tự chủ đầy đủ, tạo một chuyển biến mạnh mẽ trong toàn ngành, đưa giáo dục đào tạo Việt Nam tiến lên.
Kết luận cuộc tọa đàm, GS Trần Diệp Tuấn, CN CLB tổng hợp các ý kiến thành nhóm vấn đề sau:
– Tự chủ đại học có trong Luật ĐH 34 và Nghị định 99 nhưng chưa đủ, trong quá trình triển khai tự chủ còn vướng nhiều bộ luật liên quan hiện hành. Theo đúng bài bản thì phải sửa các luật và nghị định, thông tư liên quan. Nhưng đợi để sửa các luật và nghị định đó thì chưa biết tới khi nào?
– Từ thực tế, Hiệp hội nên kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị định riêng về Tự chủ đại học (Có thể nghị định này chỉ dành cho các trường đại học đã được Chính phủ cho làm thí điểm tự chủ; Có thể nghị định dành cho cả các trường đang sẵn sàng tiến tới tự chủ). Bởi vì chỉ có tự chủ thì đại học mới có lối ra.
– Cần tổ chức truyền thông mạnh mẽ, thông tin đầy đủ đến các cấp, các ngành, các trường và toàn xã hội về chủ trương và giải pháp tự chủ đại học. Hiện tại lãnh đạo các cơ quan Đảng, Nhà nước, đặc biệt là các cấp quản lý nhà nước ở địa phương, bộ ngành chưa hiểu đầy đủ về chủ trương này. Dẫn đến mỗi nơi hiểu một cách, do đó chỉ đạo khác nhau, còn khá nhiều cản trở lộ trình tự chủ của giáo dục đại học.
– Câu lạc bộ CT HĐT cần có kế hoạch tổ chức một loạt cuộc tọa đàm, hội thảo về các vấn đề nóng hiện nay của các trường tự chủ, có chương trình sinh hoạt thiết thực để giúp các trường đã và đang tiến vào tự chủ đại học có lòng tin, và xây dựng hướng đi phù hợp, sớm có các mô hình đại học tự chủ năng động hiệu quả để tham quan học tập.
– Với các trường cao đẳng, hầu hết trực thuộc Bộ LĐ-TB-XH quản lý cũng đang rất lúng túng trên con đường xây dựng và phát triển, không tự chủ thì rất gay go, khó tồn tại và phát triển. Nhưng tự chủ ở trường cao đẳng như thế nào thì chưa được quan tâm bàn thảo như khối các trường đại học. Tại cuộc họp CLB lần này chỉ có vài trường cao đẳng tham gia để lắng nghe khối đại học làm thế nào ?.
– Đề nghị Bộ GDĐT lắng nghe, thấu hiểu và sớm có báo cáo Chính phủ, có kế hoạch trình Quốc hội và Chính phủ ban hành nghị định riêng về tự chủ để tháo gỡ kịp thời cho các trường đang thí điểm tự chủ, đồng thời sớm sửa các bộ luật liên quan đề các trường đại học, cao đẳng nước ta có hành lang pháp lý thông thoáng.
– Vấn đề xóa bỏ cơ chế cơ quan chủ quản là vấn đề khó khăn nhất hiện nay. Đề nghị Chính phủ có những cuộc họp chuyên đề về vấn đề này để làm rõ, có văn bản chính thống gửi tới các cấp, các ban ngành để thống nhất hiểu và hành động. Hiện nay hiểu về vai trò, quyền hạncơ quan chủ quản đối với các trường đại học còn rất khác nhau, chủ yếu là chưa muốn trao quyền tự chủ cho các trường đại học, cao đẳng – mà lẽ ra phải được tự chủ như luật GD ĐH/ 34 đã ban hành.
Kết thúc cuộc họp phiên thứ Nhất, Chủ nhiệm CLB CT HĐT cũng đề xuất bổ sung 3 thành viên cho Ban Chủ nhiệm CLB. Lý do vì số lượng thành viên đã tăng lên nhiều so với khi thành lập, gấp 3 lần và khả năng còn tăng thêm trong thời gian tới.